Sự Khác Biệt Giữa Stress và Lo Âu

Hiểu về sự khác biệt giữa stress và lo âu giúp bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.

 
ian-rX12B5uX7QM-unsplash.jpg

Có một lằn ranh mong manh giữa stress và lo âu. Cả hai đều là phản ứng cảm xúc, nhưng stress thường được gây ra bởi một sự kích hoạt từ bên ngoài. Những kích hoạt từ bên ngoài có thể ngắn hạn, chẳng hạn như “deadline” công việc hoặc sự căng thẳng với những người thân; hoặc lâu dài, chẳng hạn như nghèo đói, phân biệt đối xử và bệnh mãn tính. Những người bị stress trải qua các triệu chứng, biểu hiển về tinh thần và thể chất, chẳng hạn như cáu gắt, tức giận, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn tiêu hóa và khó ngủ.

Mặt khác, lo âu được định nghĩa bởi những lo lắng quá mức, kéo dài dai dẳng, khó mất đi ngay cả khi không có các yếu tố gây lo âu hay căng thẳng. Lo âu dẫn đến một loạt các triệu chứng gần như giống như stress: mất ngủ, khó tập trung, mệt mỏi, căng cơ và cáu gắt.

Stress và lo âu ở mức độ nhẹ đều đáp ứng tốt với các cơ chế ứng phó giống nhau. Hoạt động thể chất, chế độ ăn uống dinh dưỡng và đa dạng, vệ sinh giấc ngủ tốt là điểm khởi đầu tốt cho việc ứng phó, nhưng có những cơ chế ứng phó hỗ trợ khác [ĐÓN ĐỌC Ở BÀI SAU]

Nếu stress hoặc lo âu của bạn không đáp ứng với các kỹ thuật quản lý hỗ trợ thông thường hoặc nếu bạn cảm thấy stress và lo âu đang ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày hoặc tâm trạng của bạn, hãy cân nhắc việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần, việc này có thể giúp bạn hiểu những gì bạn đang trải qua và cung cấp cho bạn các công cụ ứng phó bổ sung. Ví dụ, tâm lý gia, bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể giúp xác định xem bạn có thể bị rối loạn lo âu hay không. Rối loạn lo âu khác với cảm giác lo lắng ngắn hạn về mức độ nghiêm trọng của chúng và thời gian kéo dài: Lo âu thường kéo dài trong nhiều tháng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và hoạt động. Một số rối loạn lo âu, chẳng hạn như Ám ảnh sợ khoảng trống - agoraphobia (nỗi sợ không gian công cộng hoặc không gian mở), có thể khiến người bệnh tránh các hoạt động vui thích, thú vị hoặc gây khó khăn trong việc giữ công việc.

Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn phổ biến. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, 19% người Mỹ trên 18 tuổi bị rối loạn lo âu trong năm qua và 31% người Mỹ sẽ bị rối loạn lo âu trong suốt cuộc đời.

Một trong những rối loạn lo âu phổ biến nhất là Rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder), ảnh hưởng đến khoảng 3% người trưởng thành mỗi năm. Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ lâm sàng sẽ tìm kiếm các triệu chứng như lo lắng quá mức, khó kiểm soát xảy ra hầu hết các ngày trong vòng sáu tháng. Sự lo lắng có thể chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Rối loạn lo âu lan tỏa cũng đi kèm với các triệu chứng thể chất của lo âu.

Một loại rối loạn lo âu khác là rối loạn hoảng sợ - panic disorder, đặc trưng bởi các cơn lo âu đột ngột có thể khiến một người đổ mồ hôi, chóng mặt và thở hổn hển. Lo âu cũng có thể biểu hiện dưới dạng ám ảnh sợ đặc hiệu - specific phobias (như sợ bay) hoặc lo âu xã hội - social anxiety, với biểu hiện bằng nỗi sợ hãi lan tỏa trong các tình huống xã hội.

Rối loạn lo âu có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai. Một trong những phương pháp trị liệu được sử dụng rộng rãi nhất là liệu pháp hành vi nhận thức, trong đó tập trung vào việc thay đổi các kiểu suy nghĩ không lành mạnh liên quan đến lo âu. Một phương pháp điều trị tiềm năng khác là liệu pháp phơi nhiễm - exposure therapy, bao gồm việc đối mặt với các yếu tố gây lo âu theo cách an toàn, có kiểm soát để phá vỡ chu kỳ sợ hãi xung quanh các yếu tố gây lo âu.


Người dịch: Đông Phong

Previous
Previous

Quản Lý Stress Trong Thời Kỳ Kinh Tế Khó Khăn

Next
Next

Stress Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Của Bạn Như Thế Nào?