Stress Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Của Bạn Như Thế Nào?

Hầu hết chúng ta đều có và cảm nhận được stress. Đôi khi stress có ảnh hưởng tích cực như tạo động lực cho chúng ta thực hiện tốt công việc chẳng hạn như trình diễn piano hay phỏng vấn xin việc,… Nhưng đôi khi stress lại có những tác động tiêu cực. Nếu ta bị stress trong một khoảng thời gian dài, và chúng ta không có hành động gì để can thiệp thì stress có thể trở nên mạn tính.

 


MỘT PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN

Bạn đã bao giờ trải nghiệm việc đôi bàn tay ướt đẫm mồ hôi trong buổi hẹn hò đầu tiên hoặc cảm thấy tim mình đập thình thịch trong khi xem một bộ phim đáng sợ? Sau đó, bạn biết bạn có thể cảm thấy stress trong cả tâm trí và cơ thể của bạn
Phản ứng tự động này được phát triển từ thời tổ tiên xa xưa của chúng ta như một cách để bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi và các mối đe dọa khác. Đối mặt với nguy hiểm, cơ thể tăng cường hoạt động mạnh mẽ làm cho cơ thể tiết nhiều hormone, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng cường năng lượng và chuẩn bị cho ta để đối phó với vấn đề.
Ngày nay, chúng ta không có khả năng đối mặt với mối đe dọa như bị ăn thịt. Nhưng ta lại có thể phải đối mặt với nhiều thử thách mỗi ngày, chẳng hạn như “deadline” công việc, thanh toán hóa đơn và chăm sóc, nuôi dạy con em mình, khiến cơ thể chúng ta phản ứng theo cùng một cách với những mối đe dọa trước kia. Do đó, hệ thống báo động tự nhiên của cơ thể chúng ta - phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” – [“fight or flight” response] - có thể bị kẹt cứng. Và điều đó có thể có hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của chúng ta.

NHỮNG TÌNH HUỐNG CÓ THỂ GÂY STRESS

Ngay cả thời gian ngắn, các căng thẳng không đáng kể cũng có thể có tác động nhất định. Bạn có thể bị đau bụng trước khi bạn phải thuyết trình chẳng hạn. Stress cấp tính lớn hơn, cho dù đó là việc cãi nhau vợ/ chồng của bạn hay một sự kiện như một trận động đất hoặc khủng bố, có thể có tác động thậm chí còn lớn hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những căng thẳng cảm xúc đột ngột này - đặc biệt là sự tức giận - có thể kích hoạt các cơn đau tim, rối loạn nhịp tim và thậm chí là đột tử. Mặc dù điều này xảy ra chủ yếu ở những người đã bị bệnh tim, một số người không biết rằng họ có vấn đề cho đến khi stress cấp tính gây ra cơn đau tim hoặc điều gì đó tồi tệ hơn.

STRESS MẠN TÍNH

Khi stress bắt đầu cản trở bạn sống một cuộc sống thông thường, nó sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Căng thẳng càng kéo dài, có thể gây ra những rắc rối tồi tệ cho tâm trí cũng như cơ thể. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, không thể tập trung hoặc cáu kỉnh mà không có lý do chính đáng. Stress mạn tính cũng sẽ “bào mòn” cơ thể của bạn.
Stress có thể làm cho vấn đề hiện tại tồi tệ hơn. Trong một nghiên cứu, khoảng một nửa số người tham gia đã thấy những cải thiện trong chứng đau đầu kinh niên sau khi học cách ngăn chặn thói quen “suy nghĩ thảm họa” (catastrophizing) gây stress, tức việc liên tục nghĩ về những suy nghĩ tiêu cực về nỗi đau của họ. Stress mạn tính cũng có thể gây ra bệnh, do những thay đổi trong cơ thể bạn hoặc do ăn quá nhiều, hút thuốc và những thói quen xấu khác mà mọi người sử dụng để ứng phó với stress. Căng thẳng công việc - yêu cầu cao cùng với sự tự chủ trong việc ra quyết định kém - có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Các dạng căng thẳng mạn tính khác, chẳng hạn như trầm cảm và mức độ hỗ trợ xã hội thấp, cũng có liên quan đến nguy cơ tim mạch tăng. Và một khi bạn bị bệnh, stress cũng có thể khiến bạn khó phục hồi hơn. Chẳng hạn, một phân tích của các nghiên cứu trong quá khứ cho thấy rằng các bệnh nhân tim có nhân cách “Tuýp D” - được đặc trưng bởi đau khổ mạn tính - đối mặt với nguy cơ cao về kết quả xấu.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ

Làm giảm mức độ stress của bạn không chỉ có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong hiện tại, mà còn có thể bảo vệ sức khỏe của bạn lâu dài.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên quan giữa những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng và sự nhiệt tình - và sự phát triển của bệnh tim mạch vành trong hơn một thập kỷ. Họ phát hiện ra rằng cứ tăng một điểm trên thang điểm năm trong việc có được những cảm xúc tích cực, tỷ lệ bệnh tim giảm 22%.
Mặc dù nghiên cứu không chứng minh rằng việc tăng các cảm xúc tích cực làm giảm nguy cơ tim mạch, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên tăng cường những cảm xúc tích cực của mình bằng cách dành một ít thời gian cho các hoạt động thú vị mỗi ngày.

 
tim-goedhart-vnpTRdmtQ30-unsplash.jpg
 

NHỮNG CHIẾN LƯỢC GIẢM STRESS KHÁC

Nhận diện những gì gây ra căng thẳng.
Theo dõi trạng thái tâm trí của bạn trong suốt cả ngày. Nếu bạn cảm thấy stress, hãy viết ra nguyên nhân, suy nghĩ và tâm trạng của bạn. Một khi bạn biết điều gì làm phiền bạn, hãy phát triển một kế hoạch để giải quyết nó. Điều đó có thể có nghĩa là đặt ra những mong đợi hợp lý hơn cho bản thân và những người khác hoặc yêu cầu trợ giúp về trách nhiệm gia đình, phân công công việc hoặc các nhiệm vụ khác. Liệt kê tất cả các cam kết của bạn, đánh giá các ưu tiên của bạn và sau đó loại bỏ bất kỳ việc nào không thực sự cần thiết.

Tạo các mối quan hệ khỏe mạnh.
Các mối quan hệ cũng có thể là một nguồn gây stress. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các phản ứng tiêu cực, thù địch với vợ/ chồng của bạn gây ra những thay đổi ngay lập tức đối với các hormone nhạy cảm với stress. Nhưng các mối quan hệ cũng có thể đóng vai trò là hệ thống hỗ trợ đối với stress. Tiếp cận với các thành viên gia đình hoặc bạn bè thân thiết và cho họ biết bạn đang gặp khó khăn. Họ có thể cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ thiết thực, những ý tưởng hữu ích hoặc chỉ là một viễn cảnh mới mẻ khi bạn bắt đầu giải quyết bất cứ điều gì gây căng thẳng cho bạn.

Tạm dừng khi bạn tức giận.
Trước khi bạn phản ứng, hãy dành thời gian để làm dịu lại bằng cách đếm đến 10. Sau đó xem xét lại. Đi bộ hoặc các hoạt động thể chất khác cũng có thể giúp bạn giảm sự căng thẳng. Ngoài ra, tập thể dục làm tăng sản xuất endorphin, tăng cường khí sắc tự nhiên của cơ thể bạn. Cam kết đi bộ hàng ngày hoặc hình thức tập thể dục khác - một bước nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giảm mức độ stress.

Hãy để tâm trí của bạn thư thái.
Theo khảo sát stress tại Mỹ năm 2012 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), stress khiến hơn 40% người trưởng thành thức trắng đêm. Để giúp đảm bảo bạn có được 7-8 giờ ngủ, hãy cắt giảm lượng caffeine, loại bỏ những gây xao nhãng như tivi hoặc máy tính khỏi phòng ngủ của bạn và đi ngủ vào một giờ nhất định mỗi đêm. Nghiên cứu cho thấy các hoạt động như yoga và các bài tập thư giãn không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn tăng cường chức năng miễn dịch.

Tìm kiếm sự trợ giúp
Nếu bạn tiếp tục cảm thấy quá sức, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần, học có thể giúp bạn học cách quản lý căng thẳng hiệu quả và xác định các tình huống hoặc hành vi góp phần vào stress của bạn và sau đó phát triển một kế hoạch hành động để thay đổi chúng.

Người dịch: Đông Phong

Previous
Previous

Sự Khác Biệt Giữa Stress và Lo Âu