Nhóm Liệu Pháp Dựa Trên Chánh Niệm

Thuật ngữ chánh niệm (mindfulness) xuất phát từ Phật giáo đã xuất hiện cách đây hơn 25 thế kỷ những đến những năm gần đây các nhà khoa học mới tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng. Từ đầu những năm 1980 cho đến cuối những năm 1990, lĩnh vực các ứng dụng dựa trên chánh niệm đã bắt đầu xuất hiện nhưng ở một mức rất khiêm tốn, lúc đầu dưới sự bảo trợ của y học hành vi. Số lượng các bài báo khoa học về lĩnh vực này rất hiếm hoi. Vào cuối những năm 1990, sự gia tăng những nghiên cứu khoa học ứng dụng chánh niệm trở nên bùng phát.

Ở Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã bắt buộc điều trị nhận thức dựa trên chánh niệm là cách điều trị lựa chọn cho các nhóm bệnh nhân cụ thể bị rối loạn trầm cảm nặng. Hơn nữa, tại một cuộc họp khoa học về nghiên cứu chánh niệm trong khoa học thần kinh và y học lâm sàng và tâm lý học tại Madison vào tháng 10/2010, các đại biểu của Viện Y tế Quốc gia đã báo cáo rằng NIH đã tài trợ hơn 150 dự án nghiên cứu chánh niệm trong năm năm trước. Sự phát triển chính hiện diễn ra trong tâm lý học lâm sàng, tâm lý học sức khỏe, tâm lý học nhận thức, và khoa học thần kinh,và bắt đầy phát triển sang các lĩnh vực như giáo dục tiểu học và trung học, giáo dục đại học, luật, kinh doanh và nghệ thuật lãnh đạo.

 
bekir-donmez-eofm5R5f9Kw-unsplash.jpg

Khi bàn về những ứng dụng của chánh niệm trong lĩnh vực lâm sàng không thể không nhắc đến bốn chương trình, liệu pháp nổi tiếng, được nhiều nghiên cứu chứng minh có hiệu quả rõ rệt (1) Chương trình giảm stress dựa vào chánh niệm (Mindfulness-based stress reduction – MBSR); (2) Liệu pháp nhận thức dựa vào chánh niệm (Mindfulness-based cognitive therapy – MBCT); (3) Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical behavior therapy – DBT) và (4) Liệu pháp cam kết chấp nhận (Acceptance and commitment therapy – ACT)

Chương trình giảm stress dựa vào chánh niệm – MBSR (Kabat-Zinn, 1982; 1990) được phát triển trong bối cảnh y học hành vi dành cho những bệnh nhân đau mạn tính và có những vấn đề liên quan đến stress. Chương trình dựa vào việc huấn luyện tăng cường thiền chánh niệm. Hình thức của chương trình được thiết kế như một khóa huấn luyện với thời lượng 8 tuần với những phiên huấn luyện trong mỗi tuần kéo dài 2,5 – 3 giờ, trong đó có một phiên ở tuần thứ 6 kéo dài cả ngày. Những người tham gia được cho những bài tập để thực hành tại nhà và bắt buộc phải thực hiện những bài tập này. Khóa huấn luyện có thể bao gồm tối đa 30 người tham gia với những rối loạn và vấn đề khác nhau. Thay vì phân nhóm những người tham gia bằng chẩn đoán hoặc rối loạn, MBSR thường bao gồm những cá nhân có nhiều vấn đề khác nhau, nhấn mạnh rằng tất cả những người tham gia, bất kể rối loạn nào, trải nghiệm một dòng thay đổi liên tục trạng thái nội tại và có khả năng học hỏi ý thức từng khoảnh khắc bằng cách thực hành các kỹ năng chánh niệm. Những năm gần đây MBSR được áp dụng cho những nhóm cụ thể như nhóm bệnh nhân ung thư, phụ nữ mắc bệnh tim mạch, hoặc những cặp đôi mong gia tăng sự hài lòng trong mối quan hệ (Carson, Carson, Gil, & Baucom, 2004; Carlson, Speca, Patel, & Goodey, 2003; Tacon, McComb, Caldera, & Randolph, 2003).

Liệu pháp nhận thức dựa vào chánh niệm – MBCT (Segal, Williams, & Teasdale, 2002) tích hợp những khía cạnh của liệu pháp nhận thức dành cho trầm cảm (Beck, Rush, Shaw & Emery, 1979) vào trong Chương trình giảm căng thẳng dựa vào chánh niệm (mindfulness-based stress reduction) được phát triển bởi Kabat-Zinn (1990) và được định dạng thành chương trình huấn luyện kỹ năng theo hình thức nhóm để giải quyết, xử lý việc dễ bị tổn thương (vulnerability) của chứng trầm cảm tái diễn (Segal, Williams & Teasdale, 2002; Williams, Teasdale, Segal & Kabat-Zinn, 2007). Liệu pháp dựa vào mô hình sự dễ bị tổn thương nhận thức (model of cognitive vulnerability) của trầm cảm tái diễn (Segal, Williams, Teasdale & Gemar, 1996; Teasdale, 1988; Teasdale, Segal & Williams, 1995). Trong liệu pháp nhận thức dựa vào chánh niệm, bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục từ trầm cảm chính được hướng dẫn những cách thức để trở nên ý thức hơn về những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể, thay đổi mối quan hệ của bệnh nhân với chúng phản hồi với suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác cơ thể có ý thức hơn thay vì phản ứng một cách tự động. Mục tiêu tối hậu của MBCT là ngăn ngừa sự tái phát trầm cảm bằng việc thay đổi cách thức mà các cá nhân nhận diện và đáp ứng với những cảm xúc, suy nghĩ và các cảm giác cơ thể mang tính chất triệu chứng của họ. MBCT thường được tổ chức dưới dạng khóa huấn luyện 8 tuần với 2 giờ mỗi tuần cho tối đa 12 người tham gia và không bao gồm phiên huấn luyện cả ngày. Các phiên trị liệu MBCT và những bài thực hành chánh niệm giúp cho những người tham gia xác định làm cách nào để đáp ứng một cách có hiệu quả với những cảm xúc buồn (sad feelings) nhằm ngăn ngừa việc chúng dẫn đến sự tái phát trầm cảm.

Trong chương trình trị liệu 8 tuần, những hướng dẫn, bài tập thực hành được trình bày, hướng dẫn để trợ giúp cho những người bị tổn thương do trầm cảm ở quá khứ nhằm để:

  • Học những kỹ năng để ngăn ngừa trầm cảm tái phát

  • Trở nên ý thức hơn về những cảm giác cơ thể, những cảm xúc, những suy nghĩ trong từng khoảnh khắc

  • Phát triển một cách thức mới trong việc nhìn nhận về các cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc; cụ thể là sự chấp nhận tỉnh thức (mindful acceptance) và sự thừa nhận những suy nghĩ và cảm xúc không mong muốn hơn là đáp ứng một cách rập khuôn, tự động, theo thói quen.

  • Chọn lựa đáp ứng tối ưu nhất đến những suy nghĩ, cảm xúc hay tình huống không hài lòng mà họ trải nghiệm.

Mặc dù liệu pháp nhận thức dựa vào chánh niệm đầu được định dạng theo hình thức nhóm và dành cho bệnh nhân trầm cảm tái diễn đang phục hồi nhưng trong quá trình thực hành lâm sàng việc áp dụng liệu pháp có nhiều cải biên. Liệu pháp nhận thức dựa vào chánh niệm được áp dụng giảm triệu chứng trầm cảm hiện tại trong dân số khỏe mạnh (Chiesa & Serretti 2009), dân số lâm sàng (Hofmann, Sawyer, Witt & cộng sự, 2010; Metcalf et al, 2014), dân số bệnh nhân mắc bệnh cơ thể (Piet et al, 2012). Một số nghiên cứu cho thấy một số lượng bệnh nhân, người tham dự thích liệu pháp được thực hiện bằng hình thức cá nhân hơn là hình thức nhóm (Lau et al, 2012; Wahbeh et al, 2014). Việc thích nghi từ định dạng nhóm sang định dạng cá nhân cũng đã được nghiên cứu và cho thấy có kết quả làm giảm triệu chứng trầm cảm (Tovote et al, 2014; Wahbeh et al sự, 2014; Schroevers et al, 2016)

Liệu pháp hành biện chứng – DBT (Linehan, 1993a; 1993b) là một chương trình điều trị được phát triển dành cho nhóm người mắc rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline personality disorder – BPD) và sau này được áp dụng cho những nhóm rối loạn khác. Liệu pháp được dựa trên một quan điểm biện chứng, nhấn mạnh sự cân bằng, tích hợp, hoặc tổng hợp các ý tưởng đối lập. Trọng tâm chính của DBT là sự tích hợp việc chấp nhận và thay đổi. DBT bao gồm một loạt các chiến lược nhận thức hành vi được thiết kế để giúp thân chủ thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ. Liệu pháp cũng bao gồm việc huấn luyện kỹ năng chánh niệm để tạo thuận lợi cho việc tích hợp chấp nhận và thay đổi. Linehan (1994) cho rằng nhiều thân chủ có BPD có thể không muốn tham gia vào các thực hành thiền như trong MBSR và MBCT. Do đó, DBT thiết kế những bài tập ngắn hơn và cấu trúc cũng có phần khác hơn. Đối với những bệnh nhân ngoại trú, DBT đòi hỏi ở họ sự cam kết tham dự trong vòng một năm. Trong thời gian này, những người tham dự sẽ được trị liệu cá nhân hằng tuần và tham gia trong những phiên định dạng nhóm để huấn luyện kỹ năng. Trong những huấn luyện kỹ năng định dạng nhóm, những người tham dự được huấn luyện bốn thành phần trọng yếu của DBT đó là (1) Những kỹ năng chánh niệm cốt lõi; (2) Tính hiệu quả của mối quan hệ liên cá nhân; (3) Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc; (4) Những kỹ năng thích ứng với đau khổ. Nhà trị liệu sẽ đồng hành cùng thân chủ để áp dụng những kỹ năng này vào đời sống của họ.

Liệu pháp cam kết chấp nhận – ACT (Hayes, Strosahl, & Wilson, 1999) là một cách tiếp cận chung để trị liệu tâm lý vàcó thể được áp dụng cho nhiều vấn đề và rối loạn khác nhau. Liệu kết hợp cả quá trình thay đổi hành vi và các quá trình chánh niệm và chấp nhận. Các chiến lược thay đổi được điều chỉnh theo nhu cầu của từng thân chủ và có thể bao gồm giáo dục tâm lý, huấn luyện kỹ năng, giải quyết vấn đề, tiếp xúc tăng dần hoặc các chiến lược khác. Những kỹ năng chánh niệm và chấp nhận hỗ trợ cho quá trình thay đổi hành vi và giúp cho thân chủ tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Khái niệm trung tâm của ACT là “né tránh trải nghiệm” (experiential avoidance), khái niệm này được định nghĩa là việc không sẵn lòng trải nghiệm những hiện tượng tiêu cực bên trong như cảm xúc, cảm giác, nhận thức hoặc những nỗ lực nhằm trốn chạy, cố tình loại bỏ những trải nghiệm này, kể cả thực hiện những hành vi tự làm tổn thương bản thân. ACT cho rằng những dạng tâm bệnh học có liên quan đến việc nỗ lực né tránh những trải nghiệm nội tại tiêu cực và thực hiện các hành vi kém thích nghi như nghiện chất, phân ly, cắn móng tay, hoặc né tránh những người, nơi chốn, và tình huống làm khởi phát những trải nghiệm này. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng “né tránh trải nghiệm” có tương quan thuận với tâm bệnh học (Hayes, Wilson, Gifford, Follette, & Strosahl, 1996). Nghiên cứu của Gross năm 2002 đã cho thấy càng dồn nén tư duy, cảm xúc thì ta càng trải nghiệm nó nhiều hơn. ACT hướng dẫn người tham gia về sự linh hoạt tâm lý (psychological flexibility), người tham dự học cách chấp nhận những trải nghiệm như chúng đang là và hành động theo những cách có giá trị. Sự linh hoạt về tâm lý có những thành phần liên quan đến chánh niệm. Những thành phần chính trong ATC thường được hướng dẫn đó là (1) Chấp nhận và phân tán nhận thức (Acceptance and Cognitive Deffusion) trong đó Chấp nhận là thái độ cởi mở, không phán xét những trải nghiệm, Phân tán nhận thức liên quan đến việc dạy hướng dẫn thân chủ quan sát suy nghĩ của họ và quá trình suy nghĩ mà không đánh giá ý nghĩ là đúng hay quan trọng và không hành động ngay theo nội dung những suy nghĩ này; (2) Liên hệ với giây phút hiện tại và xem xét bản thân như là bối cảnh (Contact with The Present Moment and Self-As-Context): ACT sử dụng những bài tập chánh niệm giúp thân chủ liên hệ lại với giây phút hiện tại bằng cách khuyến khích họ nhận biết và quan sát những gì đang xảy ra bên trong họ, những kích thích từ môi trường bên ngoài trong giây phút hiện tại, gọi tên chúng, không phê phán dù là trải nghiệm khó chịu hay dễ chịu. Né tránh trải nghiệm là sự khó khăn trong việc thực hiện trạng thái ý thức, ACT hướng dẫn thân chủ nhận thức lại bản thân như một bối cảnh diễn ra những trải nghiệm như cảm xúc, nhận thức, cảm giác chứ không đồng nhất bản thân là những trải nghiệm đó. Ví dụ như một người có suy nghĩ “Tôi là một người vô dụng”, trong ACT người đó sẽ hướng dẫn lại là “Tôi đang có suy nghĩ tôi là một người vô dụng”. Việc thêm vào cụm từ “Tôi đang có suy nghĩ…” hỗ trợ cho việc nhận thức lại bản thân tách rời bản thân thân chủ với những suy nghĩ đó, và điều này làm giảm sự khó chịu của những trải nghiệm tiêu cực mà suy nghĩ ban đầu có thể tạo ra; (3) Những giá trị và cam kết hành động (Values and Committed Action) ACT khác với những hình thức can thiệp dựa vào chánh niệm khác ở việc chú ý đến những giá trị, mục tiêu trong đời sống của thân chủ và đến những thay đổi về mặt hành vi để có thể theo đuổi những giá trị và mục tiêu này. ACT có các bài tập và thảo luận về mục tiêu và giá trị của thân chủ trong các lĩnh vực như nghề nghiệp, mối quan hệ, phát triển bản thân, sức khỏe và sinh kế. Chính vì vậy đòi hỏi thân chủ phải có những cam kết thực hiện những hành vi cụ thể để đạt được những giá trị và mục tiêu đó. Những khó khăn về mặt tâm lý như trầm cảm, lo âu, buồn chán, những suy nghĩ tiêu cực hoặc những thứ có thể ngăn cản việc hành động được đánh giá và dựa vào triết lý của ACT để vượt qua.

Các can thiệp dựa trên chánh niệm bao gồm nhiều phương pháp giảng dạy về nhận thức chánh niệm. Một số trong số này là thực hành thiền định chính thức, trong đó người tham gia ngồi yên lặng trong thời gian lên đến 45 phút trong khi hướng sự chú ý của họ theo những cách cụ thể. Những cách tiếp cận khác bao gồm các bài tập ngắn, nhấn mạnh chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, trong đó người tham gia thực hành nhận thức chánh niệm cho các hoạt động thường ngày như đi bộ, tắm rửa, ăn uống hoặc lái xe. MBSR và MBCT bao gồm cả hai hình thức trên, trong khi đó DBT và ACT nhấn mạnh chủ yếu vào các hoạt động và bài tập ngắn hơn trong đó các kỹ năng thành phần của chánh niệm được hướng dẫn để người tham gia dễ dàng thực hiện.

Mặc dù có khác biệt nhau về hình thức, MBSR, MBCT, DBT và ACT có những hướng dẫn chung về việc thực hành chánh niệm. Thường thì những người tham gia được khuyến khích tập trung sự chú ý của họ vào một hoạt động, chẳng hạn như thở, đi, hoặc ăn uống, và quan sát nó một cách cẩn thận. Họ được hướng dẫn rằng chú ý của họ có thể bị xao nhãng vào trong những suy nghĩ, ký ức hoặc những huyễn tưởng. Khi điều này xảy ra những người tham gia được hướng dẫn nhận biết ngay là mình đang bị xao nhãng và hướng chú ý của mình về đối tượng, hoạt động mà mình đang chú ý. Nếu những cảm giác cơ thể hoặc trạng thái cảm xúc phát sinh, người tham gia được khuyến khích quan sát chúng một cách cẩn thận, nhận biết mình đang họ cảm thấy thế nào, ở đâu trong cơ thể và liệu những cảm giác, cảm xúc này có đang thay đổi không. Những yêu cầu hoặc mong muốn tham thực hiện các hành vi, chẳng hạn như thay đổi vị trí của cơ thể hoặc gãi ngứa, cũng được quan sát cẩn thận nhưng không nhất thiết phải hành động. Người tham gia cũng được khuyến khích “gọi tên” (label) những trải nghiệm của mình một cách ngắn gọn chẳng hạn như “buồn”, “đang suy nghĩ”, “muốn di chuyển”, “ngứa”,…. Một số các bài tập khác hướng dẫn bệnh nhân quan sát những kích thích ở môi trường bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, hoặc các mùi vị. Nhìn chung những người tham gia được khuyến khích, hướng dẫn có một thái độ tò mò, thân thiện, chấp nhận tất cả những đối tượng quan sát và không đánh giá, phê phán, trốn chạy, thay đổi những gì đang quan sát và nếu những điều vừa nêu xảy ra thì nhận biết chúng với thái độ tương tự. Tóm lại những nghiên cứu đã chứng minh việc ứng dụng chánh niệm vào lâm sàng đã mang lại nhiều hiệu quả. (Hofmann, Sawyer, Fang và cộng sự, 2010).

Nguồn: Nguyễn Bảo Ân. (2018). Thích nghi bảng hỏi năm khía cạnh chánh niệm (Five Facet Mindfulness Questionnaire - FFMQ). Luận văn Thạc sĩ Tâm lí học. Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Previous
Previous

5 phương pháp thực hành chánh niệm giúp chăm sóc lo âu của bạn

Next
Next

Đạo Bụt & Tâm Lý Trị Liệu: Gieo Trồng Những Hạt Giống Tốt