Đạo Bụt & Tâm Lý Trị Liệu: Gieo Trồng Những Hạt Giống Tốt
Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng tập trung vào câu hỏi “điều gì sai?” mà chúng ta quên hỏi rằng “điều gì đúng?”. Khi có vài thứ không mong muốn xảy ra, chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải tiếp xúc với những gì sai lầm trong chúng ta, nhưng khi tập trung vào những điều tiêu cực chúng ta có thể khiến cho tình huống trở nên tệ hơn. Thay vào đó, chúng ta có thể đem chú ý của mình trở về với nhiều thứ tốt đẹp.
Ngay khi chúng ta hỏi “cái gì là đúng?” thì điều này đã mang tính cách mạng rồi. Cho nên tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy suy ngẫm về khả năng của con người trong việc kết nối với những gì tốt đẹp và mang đến sự trị liệu ngay trong giây phút hiện tại. Trong Đạo Bụt gọi là “nghệ thuật sống có chánh niệm”. Khi chúng ta sống có chánh niệm, chúng ta tiếp xúc với những khổ đau đồng thời chúng ta cũng tiếp xúc với những thứ không phải khổ đau – những điều thích thú, hạnh phúc.
Chúng ta cũng có xu hướng trở nên bị ám ảnh bởi quá khứ. Và dĩ nhiên chúng ta không thể quay trở về quá khứ để sửa chữa những tổn thương đó. Chỉ có giây phút hiện tại mới làm được điều đó mà thôi. Nếu ta có thể tiếp xúc sâu sắc với giây phút này, chúng ta có thể tiếp xúc sâu sắc với những gì đã xảy ra trong quá khứ và chăm sóc tốt cho những gì sắp xảy ra ở tương lai. Điều này có thể coi là nguyên tắc căn bản của liệu pháp trị liệu theo Đạo Bụt (Buddhist Therapy): tương lai và quá khứ có thể được nhận thức và hoạt động cùng với giây phút hiện tại.
Khi bạn không có nhiều đau khổ, đặc biệt nếu bạn thực tập sống có chánh niệm, điều này sẽ khiến bạn dễ dàng tiếp xúc với những điều tuyệt vời trong cuộc sống, những điều sẽ nuôi dưỡng bạn và giúp bạn tránh rơi vào tình trạng khổ đau. “Loại thuốc phòng ngừa” này dễ dàng thực tập hơn khi bạn cố gắng chữa lành cho mình sau khi bạn đã bị đau khổ. Khi bạn có quá nhiều tổn thương, sẽ rất khó cho bạn tiếp xúc với những điều tươi vui và hạnh phúc. Có thể trước mặt bạn là một bông hoa rất đẹp nhưng bạn không thể tiếp xúc sâu sắc với bông hoa bởi vì bạn đang bị nuốt chửng bởi những khổ đau của chính bạn. Bạn hoàn toàn có thể thoát ra khỏi tình trạng này, chuyển hóa những khổ đau để có thể tiếp xúc thật sâu sắc với bông hoa kia. Nhưng để được như vậy là không dễ và bạn phải cần thực tập một cách nghiêm túc.
Đây là thử thách mà chúng ta đối diện, các Phật tử cũng như những nhà Tâm lý trị liệu, đó là: giúp những người đang đau khổ tiếp xúc với những điều tốt đẹp bên trọng họ cũng như xung quanh họ. Và để giúp người khác làm được như vậy, chúng ta cần khởi đầu với chính chúng ta, hãy thực tập cho chúng ta có được khả năng tận hưởng những điều vui tươi trong cuộc sống. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không chỉ có những nỗi khổ niềm đau. Khi chúng ta cố gắng giúp một người có nhiều khổ đau, chúng ta phải hiểu được cách thức để chúng ta có thể tiếp xúc được với an lạc, với sự vui tươi trong chính chúng ta và chúng ta sẽ giúp người kia cách thức mà chúng ta đã hiểu, đã làm để đạt được điều đó. Không có được những kinh nghiệm cá nhân này, việc giúp đỡ người khác sẽ không đạt nhiều thành công. Do đó, hãy bắt đầu với bản thân mình, bởi vì giúp đỡ bản thân mỗi người là giúp đỡ cho tất cả chúng ta.
Trong Đạo Bụt có một kho tàng văn học gọi là Abhidharma (A tỳ đạt ma) và một kho báu rất vi diệu là Vijñānavāda (Duy Thức Học) “Học thuyết giảng giải về tâm thức”. Tôi tin rằng ngành Tâm lý trị liệu ở Tây phương sẽ học được rất nhiều từ kho báu này về cách thức vận hành của Tâm thức. Tiếng Sanskrit “Thức” là Vijñāna. Thức có nhiều công dụng mà chúng ta gọi với những cái tên khác nhau, nhưng thật chất chúng chỉ là những diện mạo của một thứ duy nhất mà thôi. Ví dụ, mức độ rất sâu của Thức, jñ, được biết đến như alaya-vijñāna (a lại da thức, còn được gọi là tàng thức), “nhà kho”. Mỗi một kinh nghiệm được lưu trữ ở “nhà kho” alaya-vijñāna dưới dạng các hạt giống hay còn gọi là chủng tử (bija). Giả dụ bạn có một hạt giống của hạnh phúc, được huân tập khi bạn là một đứa trẻ. Có thể bạn đã không mỉm cười trong suốt 20 năm qua, nhưng hạt giống của sự mỉm cười vẫn ở đó. Lý do mà bạn không mỉm cười trong suốt 20 năm ròng là bạn đã không cho hạt giống của sự mỉm cười được biểu hiện trên tầng cao hơn của tâm thức, mano-vijñāna, ý thức. Bạn đã không thực tập điều này và hạt giống của sự mỉm cười ngày một yếu đi.
Một ví dụ khác, giả sử bạn có một hạt giống của sự thất vọng trong alaya-vijñāna của bạn. Nếu có một ai đó nói vài điều làm bạn không vui, những gì người đó nói sẽ đi vào mano-vijñāna. Ngay tức thì, nó lọt vào alaya-vijñāna và “tưới tẩm” hạt giống thất vọng. Kế đó sự thất vọng xuất hiện trên bề mặt mano-vijñāna và bạn cảm thấy thất vọng một cách có ý thức. Theo như sự lý giải này, mọi thứ biểu hiện ở mano-vijñāna sinh ra một hạt giống ở alaya-vijñāna, và hạt giống vừa được tạo nên này có sức mạnh giống như hạt giống đã có sẵn ở đó. Sự trải nghiệm của chúng ta ở mano-vijñāna càng lâu thì số lượng hạt giống ở alaya-vijñāna được sinh ra càng nhiều cũng như gieo ngày một sâu trong tâm thức của chúng ta. Do vậy, nếu chúng ta cho phép những nỗi thất vọng và đau khổ độc chiếm mano-vijñāna thì chúng ta sẽ có rất nhiều hạt giống của thất vọng và đau khổ trong alaya-vijñāna. Những hạt giống này sẽ ảnh hưởng và biến đổi các hạt giống khác. Hạt giống mỉm cười có thể trở nên yếu đi, và khó khăn trong việc biểu hiện. Và đó chính là lý do tại sao bạn không hề mỉm cười trong suốt 20 năm.
Chúng ta là tất cả những hạt giống của mình. Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau tùy thuộc vào chất lượng của những hạt giống bên trong alaya-vijñāna. Khi chúng ta bị chiếm giữ bởi những nỗi khỗ niềm đau của mình, chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có khổ đau, và đôi khi chúng ta muốn tự sát. Nhưng kỳ thực là chúng ta có nhiều hơn thế, chúng ta sở hữu một nhà kho khổng lồ với mọi loại hạt giống được cất chứa bên trong: hạt giống của Bụt, của an lạc, của thảnh thơi, của hòa bình, của hạnh phúc. Khi tôi thực tập thiền hành, cảm nhận trái đất đang ở bên dưới chân ta, và mỉm cười, tôi đang hiến tặng cho bản thân mình một cơ hội. Tôi muốn mano-vijñāna của mình được tự do trước các suy nghĩ tiêu cực, những lo lắng tổn thương, v.v. và do đó tôi có thể gieo trồng những hạt giống của an lạc, của sự trị liệu. Khi bạn gieo trồng những hạt giống tích cực vào trong alaya-vijñāna, chúng sẽ phát triển và làm yếu dần các hạt giống tiêu cực. Giống như kháng thể, chúng biết nơi nào cần đi đến và cách nào để làm khử đi các tế bào lạ, dị vật. Sự chuyển hóa này xảy ra mà không có sự tham dự trực tiếp của ý thức.
Làm thế nào chúng ta có thể làm việc với những người mà mano-vijñāna hoàn toàn bị xâm lấn bởi đau khổ và thương đau? Người đó biết rõ rằng bông hoa kia và bầu trời là rất đẹp nhưng với nỗi khổ niềm đau như vậy, họ không thể tiếp xúc được với bông hoa và bầu trời một cách sâu sắc. Nếu chúng ta bảo người đó hãy tập thở và mỉm cười, họ sẽ không làm được như vậy. Người kia đã quá yếu, đã bị nỗi thất vọng chiếm giữ quá nhiều. Như thế đã quá trễ để người kia thực tập theo cách này. Chúng ta cần nhắc nhở họ rằng họ có nhiều hơn những nỗi khỗ niềm đau của họ, rằng trong alaya-vijñāna họ có rất nhiều hạt giống của an lạc và hạnh phúc, chúng có thể giúp cân bằng tình trạng hiện tại của họ. Nhưng chúng ta giúp họ thực hiện điều này như thế nào?
Một ngày nọ, tôi mất đi một người bạn rất thân, người đã đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Anh ta lên cơn đau tim và ra đi trong đêm. Đêm kế tiếp tôi không tài nào ngủ được bởi vì việc mất đi người bạn này là quá đau đớn với tôi. Tôi biết rằng sáng hôm sau tôi có một buổi nói chuyện ở đâu đó, nên tôi muốn ngủ nhưng thật sự rất khó để ngủ với nỗi đau đớn khôn xiết như thế. Tôi nằm trên giường và thực tập thở và hình dung hình ảnh các cây tùng rất đẹp ở trong sân. Trong khi thiền hành, tôi đã dừng lại, cúi chào và ôm lấy chúng, thực tập theo dõi hơi thở. Và như thể các cây tùng luôn đáp ứng lại với hơi thở và vòng tay tôi ôm chúng nên tôi đã mời hình ảnh của những cây tùng xinh đẹp đó, vào từng hơi thở của tôi. Tôi đã trở nên đồng nhất với những cây tùng và những hơi thở. Điều này đã rất hữu dụng.
Thật sự khá dễ dàng với tôi trong việc nối kết lại với những điều tươi mát và an lạc trong đêm đó vì tôi thực tập hơi thở và mỉm cười hằng ngày. Nhưng đối với những người không thực tập như vậy, những hạt giống tích cực có thể đã quá yếu đến nỗi không thể cân bằng được nỗi khỗ niềm đau của họ. Nếu bạn rơi vào tình huống như vậy, điều bạn cần là có một người bạn ngồi cạnh bên, nắm lấy tay bạn, lắng nghe để hiểu bạn. Lát sau, có thể bạn sẽ cảm nhận lại được sự tươi đẹp và màu nhiệm của bông hoa. Có những người là thành phần trong một cồng động hỗ trợ, như Tăng Thân, sẵn sàng giúp đỡ họ, điều này là rất tuyệt vời. Thậm chí khi họ chỉ có một người bạn có thể giúp họ, điều này cũng rất là may mắn. Nhưng nhiều người không có một Tăng Thân hay một người bạn giúp đỡ và họ tìm đến những nhà trị liệu. Ở đấy, nếu là một nhà trị liệu giỏi, họ có thể giúp gieo trồng những hạt giống tốt nơi thân chủ của mình.
Theo lời Bụt dạy, đôi khi bạn không trực tiếp chạm trán với những hạt giống khổ đau của mình. Bạn chỉ cần gieo những hạt giống mới của sự trị liệu, tươi mát và chính chúng sẽ tự làm yếu những hạt giống tiêu cực. Có một lý do khác cho việc tại sao chúng ta phải cẩn trọng khi “mời lên” những hạt giống của sự tiêu cực: mỗi lần chúng ta đem chúng lên mano-vijñāna là chúng ta đã tạo cho chúng thêm một cơ hội gieo nhiều hơn ở alaya-vijñāna. Tôi muốn bạn suy ngẫm về điều này bởi vì tâm lý trị liệu tây phương có xu hướng nghĩ rằng chúng ta phải dung hợp những chất liệu của vô thức vào trong tầng ý thức. Cho nên ta nói đến việc tiếp xúc với khổ đau, với giận dữ,…. Nhưng với mức độ đó, chúng ta có thể mất đi sự tiếp xúc với với những điều tích cực trong đời sống.
Ví dụ, có thể bạn đang giận dữ, và mức độ sự giận dữ không cao, nhưng bạn cố tiếp xúc với nó và diễn bày nó, bạn trở nên giận dữ hơn. Tại sao lại như thế? Bởi vì bạn đem những hạt giống của sự giận dữ lên trên bình diện ý thức, nghĩ rằng làm như vậy bạn có thể loại chúng ra khỏi cơ thể, tình trạng của bạn. Nhưng khi làm như vậy, bạn đang thực tập cơn giận dữ của mình và gieo thêm những hạt giống mới của sự giận dữ vào bên trong alaya-vijñāna. Đó chính là lý do tại sao bạn càng bày tỏ sự giận dữ, bạn càng trở nên giận dữ hơn. Khi tôi đóng cửa lại và đấm vào cái gối của mình, tôi nghĩ rằng tôi đang loại bỏ sự giận dữ của mình. Nhưng sự thật là tôi đang chuyển hóa năng lượng giận dữ của tôi thành năng lượng của sự đập phá. Sau một vài cú đấm, năng lượng cơn giận yếu đi và tôi cảm thấy tốt hơn. Nhưng những hạt giống của cơn giận vẫn ở đó và ngày càng mạnh thêm. Tôi không nghĩ rằng tại thời điểm chúng ta đấm vào gối mình, là chúng ta đang tiếp xúc được với cơn giận. Tôi không nghĩ rằng chúng ta tiếp xúc được với cái gối của mình.
Nghe có vẻ như là tôi đang khuyên mọi người kiềm nén cảm xúc của mình lại. Không hẳn như vậy. Tôi chỉ nói rằng đôi khi chúng ta có thể chuyển hóa những hạt giống của sự khổ đau mà không cần mang nó lên trên bình diện ý thức. Và đôi khi bằng cách diễn bày cơn giận, bạn làm nó tái diễn và trở nên mạnh hơn. Tôi không nghĩ việc giúp người khác tiếp xúc với cơn giận của mình là sai, tôi chỉ nghĩ rằng điều đó vẫn chưa đủ, và nếu chúng ta tập trung toàn bộ năng lượng của mình chú ý vào việc này, rất có thể sẽ bị phản tác dụng.
Chúng ta hãy nhìn sâu hơn một chút về vấn đề của cơn giận. Khi một thứ gì đó đánh thức cơn giận của bạn, hạt giống của sự giận dữ trong alaya-vijñāna trở nên biểu hiện như một nguồn năng lượng đang đốt cháy cơ thể bạn. Sự thực tập của Đạo Bụt không phải kiềm chế hay đè nén cơn giận đó mà là trở về với hơi thở và nhìn nhận cơn giận chỉ là cơn giận. “Thở vào, tôi biết đang giận. Thở ra, tôi biết tôi đang giận”. Tiếp tục thực tập như vậy, đừng nói và làm bất cứ điều gì khác. Chỉ cần theo dõi hơi thở và ý thức hơn về cơn giận. Thông thường sẽ hữu ích khi bạn rời khỏi nơi làm bạn giận dữ, đi vào môi trường tự nhiên và thực tập thiền đi. Với bầu không khí trong lành và sức sống xanh tươi của cây cối xung quanh bạn, sẽ giúp ích cho bạn chuyển hóa cơn giận của mình một cách dễ hơn. Sau 15, 20 phút, cơn giận sẽ dịu xuống. Bạn có thể chia sẻ điều này với thân chủ của mình khi họ giận dữ. Bạn có thể nói: “Đi dạo với tôi một chút” mà không cần phải nói: “Chúng ta hãy đi thiền”, vì có thể gây thêm điều phức tạp. tất cả cùng người đi, tất cả cùng thở. Bạn có thể đưa thân chủ của mình ra một không gian mở, có bầu không khí trong lành, giúp họ đi và thở như vậy trong 15, 20 phút. Nhiều khi việc này hữu dụng hơn việc chỉ ngồi và nói chuyện với nhau trong phòng. Điều căn bản là bạn chia sẻ với thân chủ của mình những gì mà chính bạn đã thực tập và nhận ra sự hiệu quả của nó. Nếu bạn thấy thiền tập hoặc những kĩ thuật khác mang lại lợi lạc cho chính bạn, thì sẽ rất là lạ lùng khi bạn không chia sẻ với thân chủ của mình.
Tôi muốn chia sẻ thêm một ví dụ về cách xử lí cơn giận vì đây là một vấn đề phổ biến. Một ngày nọ, tôi nhận được tin một bé gái 13 tuổi đi thuyền từ miền nam Việt Nam đến Thái Lan đã bị những người cướp biển cưỡng hiếp. Sau khi bị cưỡng hiếp, bé gái không thể chịu đựng được như những đứa trẻ khác, cô bé nhảy xuống biển và chết đuối. Những người cướp biển đã giết 35 người trên thuyền. Một trong số họ đã may mắn sống sót để kể lại cho Ủy ban tị nạn quốc gia rằng những người khác bị tấn cống đã không được báo cáo vì cướp biển đã giết tất cả.
Nghe tin đó, tôi rất giận và tôi đã thực tập thở. Tôi ngồi xuống và thực tập theo dõi hơi thở để làm dịu nhẹ cơn giận cũng như làm dịu nhẹ cảm xúc và tâm trí mình. Tôi cảm thấy giận dữ, buồn bã và vô dụng, biết là tôi không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn những người cướp biển. Tôi thực tập như vậy trong khoảng thời gian để xoa dịu những cảm xúc và gia tăng sức mạnh của tôi. Khi tôi bình tĩnh lại, tôi thở vào với hình ảnh bé gái kia và thấy rằng tôi có thể trở thành tên cướp biển kia một cách dễ dàng. Tôi thấy mình là một em bé sinh ra trong ngôi làng chài dọc nằm dọc theo bờ biển Thái Lan. Cha tôi là một ngư dân nghèo và là một người nghiện rượu. Mẹ tôi đã không biết cách nuôi nấng con mình một cách đúng đắn, và tôi đã không được đi học. Khi tôi trưởng thành, tôi trở thành một ngư dân nghèo như cha mình. Và một ngày nào đó trên biển, một ngư khác nói với tôi “hãy thử làm điều này một lần, bởi vì những người tị nạn có thể có vàng hoặc những thứ gì đó có giá trị. Nếu chúng ta có được những thứ ấy, chúng ta sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khó, thoát ra khỏi kiếp ngư dân nghèo khốn cùng này”.
Tôi đã bị cám dỗ bởi điều đó bởi vì tôi không được đi học, không một ai dạy tôi làm thế nào để hiểu biết và thương yêu. Tôi đã đồng ý và khi thấy những người ngư dân khác làm điều đó, tôi đã làm theo. Và tôi đã thực hiện điều ác bằng việc cưỡng hiếp bé gái kia. Bây giờ nếu bạn có khẩu súng trong tay, bạn sẽ bắn vào đầu tôi và tôi sẽ chết. Tất cả chỉ có vậy thôi. Bạn đã không giúp tôi. Không một ai giúp đỡ tôi khi tôi còn là một đứa trẻ mới sinh đỏ hỏn, khi tôi còn là một cậu con trai hồn nhiên bé bỏng, khi tôi còn là một ngư dân nghèo hiền lương chân chất, dại khờ. Và giờ đây tôi gây ra những điều này bởi vì tôi đã lớn lên như thế đó. Và vào tối qua, dọc theo bờ biển của Thái Lan, đã có 500 đến 600 đứa trẻ ra đời như vậy. Nếu những chính trị gia, những chuyên gia kinh tế, giáo dục và các ngành liên quan không làm bất cứ điều gì để giúp họ, khoảng 20 năm sau sẽ có rất nhiều những đứa trẻ trong số đó sẽ trở thành những tên cướp biển như tôi.
Nhờ sự thực tập thiền định, sự tức giận của bạn về người cướp biển kia tan biến. Bạn biết rằng bạn cần làm điều gì đó để giúp cho những đứa trẻ kia không phải trở thành những tên cướp biển. Một khi họ trở thành những tên cướp biển, việc bắn chết họ không giúp ích được điều gì cả mà chúng ta chỉ làm nước mắt của những người mẹ rơi nhiều hơn mà thôi. Và nhờ sự thực tập, bạn thấy rõ được bản chất của cơn giận, và do có được cái thấy trí tuệ này, lòng từ bi được phát sinh. Lòng từ bi cũng là một nguồn năng lượng giống như cơn giận. Khi cơn giận xuất hiện trong bạn, chuyển hóa nó trở thành năng lượng của trí tuệ và từ bi, và bạn sẽ biết được những gì cần làm và không nên làm với người cướp biết kia, và với những “tên cướp biển” vừa mới sinh vào tối qua.
Khi chúng ta quán xét những trải nghiệm của bản thân mình, chúng ta nhận thấy có một dòng sông cảm xúc chảy xuyên suốt ngày đêm bên trong chúng ta. Sự thực tập chánh niệm về cảm xúc theo Đạo Bụt là chúng ta ngồi bên bờ sông và quan sát. Nhưng chúng ta không chỉ là những người quan sát, chúng ta còn phải là những người đồng hành sâu sắc trong từng cảm xúc, chúng ta và chúng hợp nhất thành một để đạt được trí tuệ khôn ngoan. Trên bề mặt của dòng sông, chúng ta trải nghiệm những cảm xúc được biểu hiện trên mano-vijñāna. Nhìn sâu hơn, chúng ta thấy rằng mỗi cảm xúc có một hoặc một vài gốc rễ nằm sâu bên dưới lòng sông, dưới dạng những hạt giống. Chúng ta có thể truy tìm những gốc rễ này mà không cần phải quay về quá khứ. Điều này bởi vì khi chúng ta giải quyết những vấn đề trong giây phút hiện tại, mọi thứ ở quá khứ được hiển lộ dưới dạng những hạt giống. Cho nên thực tập chánh niệm về cảm xúc là lấy hiện tại làm trung tâm.
Khi chúng ta nhìn vào bông hoa một cách sâu sắc, chúng ta sẽ thấy được những yếu tố không phải là bông hoa (non-flower elements) trong bông hoa. Khi chúng ta nhìn sâu vào trong rác, chúng ta cũng có thể nhìn thấy trong đó những thành phần không là rác (non-garbage elements) như là hoa, dưa chuột, rau diếp,…. Tôi nghĩ rằng một người làm vườn giỏi sẽ thấy được điều đó, thậm chí không phải thực hành thiền tập. Họ giữ rác để chuyển hóa trở lại vào trong dưa chuột, rau diếp. Cũng giống như hoa theo cách thức này trở thành rác, và rác cũng theo đó mà trở lại thành hoa.
Đây là điều Bụt dạy quan trọng nhất đối với tôi, lời dạy về cái nhìn không bị kẹt vào chủ nghĩa nhị nguyên. Cái này có vì cái kia có. Nếu cái kia không có thì cái này không có. Đóa hoa không coi rác là kẻ thù, và ngược lại. Hoa biết được bản chất tương tức (inter-being) của mình với rác, và rác cũng biết được điều đó, vì thế chúng không hề sợ hãi. Bằng cách tương tự, chúng ta nhìn vào “rác” và “hoa” có trong chúng ta. Việc thực hành thiền tập chỉ là việc thực tập nuôi dưỡng hoa trong bạn và chuyển hóa rác trở lại thành hoa. Khi ta thấy rác trong ta, đừng hoảng sợ. Chúng ta không cần phải ném chúng đi. Tôi trân trọng mời các nhà trị liệu tâm lý suy ngẫm việc trị liệu tâm lý với cái nhìn bất nhị như vậy. Chúng ta có thể chấp nhận mọi thứ và chuyển hóa bất cứ thứ gì. Ngay cả những đau khổ cũng có thể giúp chúng ta, dạy cho chúng ta về hạnh phúc. Đau răng là một ví dụ, đau răng sẽ dạy cho chúng ta biết trân trọng khoảng thời gian vui vẻ và thảnh thơi khi không đau răng, khoảng thời gian mà chúng ta không quan tâm tới, cho là hiển nhiên.
Chúng ta phải học thực tập phản hồi với những cảm xúc của mình một cách bất bạo động. Khi bạn đang giận, hãy trở nên tử tế với cơn giận của mình vì bạn biết rằng cơn giận chính là bạn tại thời điểm đó. Hãy chăm sóc tốt cơn giận của bạn như thế chăm sóc tốt đứa con của bạn vậy. Bạn không nên chiến đấu với cơn giận của mình. Nếu bạn giận dữ về sự giận dữ của mình sự giận dữ sẽ nhân đôi và bạn sẽ tổn thương nhiều hơn. Đó là lời dạy Bụt dạy. Khi chúng ta thực tập thở có chánh niệm và nhìn sâu vào bản chất của cơn giận, chúng ta có thể có khả năng tự hỏi mình là vì sao người khác lại ứng xử đối với mình như vậy. Và chúng ta sẽ tìm được câu trả lời rất sớm. Nhìn sâu và thấy được gốc rễ cơn giận của mình, ta được tự do khỏi chúng.
Có nhiều người trẻ không muốn làm bất cứ điều gì với cha mẹ họ, vì suốt khoảng thời gian tuổi thơ của mình, họ đã bị tổn thương quá nhiều từ cha mẹ. Nhưng nếu họ thực tập, họ có thể thấy rằng những hạt giống mà họ được nhận từ cha mẹ vẫn ở đó, và cha mẹ của họ cũng bị tổn thương vì những những hạt giống này. Và do hiểu được cách thức những hạt giống này biểu hiện lên ý thức, họ bắt đầu thấy rằng cha mẹ của họ cũng là nạn nhân giống như họ; họ cũng thấy được những hạt giống này đã được trao truyền qua rất nhiều thế hệ. Nếu những người trẻ không chuyển hóa được những hạt giống này thì họ lại tiếp tục trao truyền chúng cho thế hệ con cháu của họ. Nên thông qua hiểu biết như vậy, cơn giận có thể được chuyển hóa thành lòng từ bi. Những hạt giống của sự hiểu biết, những hạt giống đến từ sự thực tập nhìn sâu, là những hạt giống mạnh nhất mà bạn có thể gieo trồng trong alaya-vijñāna bởi vì những hạt giống của sự hiểu biết sẽ làm tan rã những hạt giống của sự si mê và sân hận.
Nhìn sâu (quán chiếu) không hẳn giống với tư duy. Tư duy tập hợp mọi thứ lại với nhau nhưng không khám phá sâu sắc những thứ ấy. Chúng ta phải học tập để tin tưởng alaya-vijñāna của mình trong việc trị liệu. Nhiều khi chúng ta không cần phải nghĩ đến những hạt giống của khổ đau của mình. Chúng ta chỉ cần gieo trồng những hạt giống của sự trị liệu và tưới tẩm chúng. Ví dụ bạn đi ngang qua một ai đó mà bạn từng biết tên nhưng bạn không thể nào nhớ được tên người đó. Bạn về nhà và cố gắng hết mức bằng mano-vijñāna của mình để tìm kiếm tên người kia, qua một thời gian nỗ lực trước giờ ăn tối, và có thể bạn bị đau đầu vì điều đó. Sau khi ăn tối, bạn nghe một số nhạc êm dịu và sau đó đi ngủ, không suy nghĩ về bất cứ cái tên nào nữa. Sáng hôm sau thức dậy, trong khi đánh răng, cái tên bỗng dưng xuất hiện. Khi bạn thực sự có khả năng thư giãn mano-vijñāna của mình alaya-vijñāna đã mời tên người kia lên. Sự chứng ngộ (enlightenment) cũng cũng giống như vậy.
Khi bạn có thực sự có khả năng thư giãn suy nghĩ của bạn, chánh niệm sẽ được phát triển. Khi bạn tiếp xúc với bông hoa một cách có chánh niệm, bông hoa hiện diện sâu sắc hơn cho bạn, và bạn cũng sẽ hiện diện sâu sắc hơn. Và nếu bạn tiếp tục nhìn sâu sắc hơn nữa, bạn có thấy được bản chất hiện thực của bông hoa. Thân chủ mà bạn đang nỗ lực giúp đỡ cũng cần được nhìn sâu theo cách này. Bằng việc nhìn sâu, bạn hiểu được gốc rễ vấn đề của họ và trí tuệ sẽ giúp bạn biết điều gì cần làm và điều gì nên tránh trong việc giúp đỡ họ. Nên thực tập chánh niệm rất quan trọng đối với các nhà trị liệu. Nếu bạn là một nhà trị liệu giỏi, dù bạn có thực tập thiền hay không, tôi tin chắc bạn đã biết cách nhìn thấy được bản chất vấn đề của như thân chủ của mình. Sự khác biệt ở đây là theo quan điểm của Đạo Bụt, chúng ta xây dựng nhiều phương pháp để làm việc đó. Thông qua hơi thở của mình, chúng ta có thể học cách nhìn sâu hơn vào trong sự vật.
Khi có một ai đó nói điều gì khiến bạn không vui hay thô lỗ với bạn. Có một cách để tiếp nhận điều này, một kiểu thực tập để tránh cho bạn tổn thương nhiều hơn. Nếu bạn là một người thực tập giỏi, với trí tuệ, bạn có thể nhìn sâu được vào gốc rễ của những hành động thô lỗ kia, và bạn không bị tổn thương bởi hành động đó. Giống như khi một đứa trẻ bị nhức đầu và nói hoặc làm những điều gì đó không hay, do cha mẹ biết rằng đứa trẻ đang nhức đầu nên chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Tuy nhiên, nếu bạn không biết thực tập, bạn sẽ không biết làm thế nào để xử lý với những từ ngữ không hay, kế đó một tâm hành sẽ được tạo ra trong bạn. Tâm hành bên trong này, samyojana, hay còn gọi là kiết sử hay nội kết sẽ trở thành nguồn gốc của nhiều sự khổ đau. Bởi vì chúng ta có nhiều hạt giống của si mê, của vô minh, của giận dữ nên các sự kiện bên ngoài dễ dàng tạo nên các tâm hành trong chúng ta.
Theo Đạo Bụt, bạn thực tập sống có chánh niệm để ngăn ngừa sự hình thành của những nội kết này. Một khi chúng đã được gieo trồng, bạn thực tập thiền để làm giảm sức mạnh của chúng và chuyển hóa chúng. Có hai vợ chồng vừa kết hôn, nhưng trong buổi tiệc cưới, người chồng đã khoe khoang một vài điều không đúng với sự thật. Do đó, cô vợ đã mất đi sự tôn trọng đối với anh và tạo nên một nội kết. Nhưng nếu cô ấy là người có thực tập, cô ấy sẽ tự nhủ với mình: “mình không thể mặc kệ điều này, sau khi khách về hết, mình phải nói chuyện với chồng về điều này, nếu không nó sẽ trở thành một nội kết trong mình”. Sau đó cô ấy nói chuyện với người chồng về những gì xảy ra ở tiệc cưới. Nếu người chồng cũng là một người biết thực tập, anh ta sẽ thấy đây là lỗi của mình và hứa rằng trong tương lai, anh sẽ không cố gắng tạo ấn tượng với người khác bằng cách thức như vậy nữa. Và với kiểu cam kết này, những nội kết của cô vợ đã được chuyển hóa.
Nhưng nếu cô vợ không biết thực tập, những nội kết này sẽ vẫn tồn tại ở đó. Lần kế tiếp khi người chồng tiếp tục khoe khoang như thế, nội kết sẽ phát triển mạnh lên. Sau 3 hoặc 5 năm chung sống thiếu chánh niệm như vậy, sẽ có nhiều nội kết trong tim của hai vợ chồng, và có thể sẽ dẫn đến việc ly hôn. Ngay khi họ không đề cập đến vấn đề của mình thì đứa con vẫn biết vì bầu không khí gia đình quá ư là nặng nề, ngột ngạt. Thậm chí đưa trẻ chưa ra đời nó đã thu nhận những nội kết từ mẹ nó: mỗi khi ăn, khi giận đều trao truyền vào đứa trẻ. Do đó chúng ta thực tập sống có chánh niệm nhằm tránh tạo nên những nội kết trong chúng ta, trong con cháu chúng ta ngay khi chúng chưa sinh ra đời.
Có nhiều khi chúng ta phải mời những nội kết lên mano-vijñāna để đối thoại cùng chúng. Đây chính là cách mà cô vợ trẻ kia đã chuyển hóa nội kết của mình. Đôi khi chúng ta mời những hạt giống lên và suy ngẫm một mình, đôi khi chúng ta làm điều đó với một người bạn, với một người Thầy, với Tăng Thân. Nhưng đôi khi những nội kết của chúng ta quá mạnh, chúng ta không có khả năng giải quyết chúng. Trong trường hợp này thì không nên mời chúng lên, mà hãy tìm sự trợ giúp của một người bạn, của Tăng Thân hay của một nhà trị liệu, và gieo trồng thêm những hạt giống mới của sự trị liệu và làm giảm sức mạnh của những nội kết này. Tùy thuộc vào tình huống mà bạn có thể mang những nội kết này lên trên bình diện ý thức hay để yên nó ở tầng sâu tâm thức của mình. Bạn có thể thực hiện một mình hoặc với người khác. Có nhiều cách để thực hiện.
Chúng ta nên biết rằng sự tàn phá môi trường sống và nạn tham nhũng trong xã hội đã tạo nên rất nhiều đau khổ. Nếu bạn chỉ giải quyết với người bệnh, bạn sẽ không thể nào giải quyết được tới gốc rễ của vấn đề. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng các nhà trị liệu nên dấn thân sâu sắc trong hoạt động bảo về môi trường ngăn chặn sự tàn phá xã hội của chúng ta bởi nạn nghiện rượu, lạm dụng tình dục, v.v.. Bạn không thể dành toàn bộ thời gian của mình cho thân chủ; bạn phải để dành thời gian để phụ vào công việc chung của tất cả chúng ta.
Tôi có một cái nhìn là mỗi nhà tâm lý trị liệu như là người dẫn đầu, lãnh đạo của khóa tu, nơi mà con người ta có thể dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại để tận hưởng trời xanh mây trắng để bước những bước chân an lạc, có thể nở những nụ cười tươi mát với người khác. Tôi muốn nói rằng mỗi nhà trị liệu nên có thể thiết lập và nuôi dưỡng một cộng đồng tươi vui như vậy. Điều đầu tiên là chính bản thân nhà trị liệu phải được lợi lạc từ cộng đồng đó. Bạn sẽ đi đến đó và được nuôi dưỡng. Bạn chăm sóc những bông hoa và bạn được rất nhiều bông hoa, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn không phải tốn nhiều nỗ lực, sự trị liệu sẽ đến một cách tự nhiên. Đó là những kinh nghiệm của tôi với cộng đồng trị liệu.
Khi bạn thực tập sống có chánh niệm, chuyển hóa chính bạn, làm cho bạn hạnh phúc và an lạc, và bạn có thể trao truyền tất cả những điều này cho thân chủ của mình mà không cần phải nói điều đó xuất phát từ Đạo Bụt. Như tôi đã đề cập ở trên, bạn có thể chia sẻ hơi thở và bước chân an lạc của bạn với người khác mà không cần nói đó là “đi thiền”. Thực tập như thể bạn không hề đang thực tập. Thực tập mà không có vẻ gì để người khác nhân ra bạn đang thực tập, đó chính là sự thực tập cao nhất.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Bài viết bên dưới dựa trên các buổi pháp thoại vào tháng 5 năm 1989 trong khóa tu 5 ngày ngày dành cho các nhà Tâm lý trị liệu. Khóa tu được tổ chức bởi Tổ chức Phật giáo phụng sự hòa bình.