Nghiện Hành Vi
Nghiện hành vi là gì?
Hầu hết mọi người đều liên hệ nghiện với thuốc lá, các chất ma túy, và rượu. Một tình trạng nghiện nhưng không phải nghiện chất (non – substance addiction) gồm những thứ như nghiện cờ bạc, hành vi tình dục nguy cơ, ăn uống, internet, thiết bị di động, và mua sắm. Những loại này đôi khi còn được gọi là nghiện hành vi. Khi một người tham gia vào những hành vi này một cách quá mức và không thể ngừng lại, khi đó bắt đầu một tình trạng nghiện. Tất cả các loại nghiện (nghiện chất và nghiện hành vi, ND) đều có thể làm rối nhiễu công việc và cuộc sống cá nhân của bạn. Thậm chí nó có thể đặt bạn vào những tình huống không an toàn. Nghiện hành vi có thể gây hậu quả tổn hại cơ thể, cảm xúc và tài chính. Một số có thể dẫn đến các rối loạn khác và nghiện chất bao gồm trầm cảm, nghiện rượu, nghiện ma túy, và tự sát.
Triệu chứng của nghiện hành vi
Người nghiện hành vi không thể ngừng thực hiện hoạt động hay hành vi gây phiền toái của mình. Ví dụ, người nghiện cờ bạc có thể chơi hết tiền tiết kiệm của mình. Người nghiện tình dục có thể liên tục hoạt động tình dục khinh suất, liều lĩnh và mắc phải bệnh lây qua đường tình dục (STD). Những triệu chứng của nghiện hành vi bao gồm:
Tham dự vào hành vi hay hoạt động nguy cơ một cách cưỡng bức ngoài ý muốn, quá mức và tái diễn.
Không có khả năng ngừng hoạt động lại.
Suy giảm khả năng phán đoán.
Không có khả năng kiểm soát hành vi.
Thèm nhớ hoạt động hoặc hành vi.
Không thể nhận thức được những hậu quả của hành vi (tính an toàn, tài chính, cảm xúc, thân thể, tử vong).
Căng thẳng trong công việc và các mối quan hệ cá nhân.
Phản ứng cảm xúc không phù hợp.
Nguyên nhân nào gây nghiện hành vi?
Nghiện là một rối loạn hoạt động não bộ mạn tính. Nói một cách đơn giản, não bộ của bạn được thiết lập theo một cách nào đó về mặt di truyền. Bác sĩ không thể nói được vì sao những người cụ thể nào đó không thể kiểm soát hành vi. Mà là những hành vi kết hợp với sự tưởng thưởng, với động lực và với trí nhớ theo cách gây hại. Điều này làm khởi phát phản ứng cơ thể, cảm xúc và xã hội. Các bác sĩ cho rằng hành vi này đem lại sự “phấn khích dồn dập” hoặc sự xúc cảm. Ví dụ, người nghiện cờ bạc có thể cảm thấy hồi hộp khi thắng hoặc thua tiền. Những trải nghiệm cá nhân và loại hình nhân cách đóng vai trò một phần trong tình trạng nghiện.
Chẩn đoán nghiện hành vi như thế nào?
Một số người nghiện hành vi nhận thức được vấn đề và tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số người được gia đình và bạn bè phản ánh. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán được tình trạng nghiện.
Có thể phòng tránh được nghiện hành vi hay không?
Không thể phòng tránh được nghiện hành vi. Tuy nhiên, một khi được chẩn đoán, chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp bạn tìm cách tránh tiếp xúc với những yếu tố khởi phát.
Điều trị nghiện hành vi
Có thể điều trị. Trước hết, bạn phải chấp nhận mình có nghiện hành vi. Kể với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ chuyển bạn đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để trợ giúp nhiều hơn. Sự trợ giúp có thể bao gồm trị liệu nhận thức hành vi. Đây là trị liệu thông qua trò chuyện, gồm việc kể cho chuyên gia sức khỏe tâm thần về tình trạng nghiện của bạn. Nó cũng có thể bao gồm lời khuyên về cách hiểu cơn nghiện thôi thúc bạn như thế nào và cách ứng phó với chúng. Nếu cần thiết, điều trị nghiện hành vi cũng có thể gồm điều trị trầm cảm và lạm dụng chất.
Sống với nghiện hành vi
Sẽ tốt khi kể thật cho gia đình và bạn bè rằng bạn mắc chứng nghiện hành vi. Điều này là quan trọng nếu bạn đang cố gắng tránh các yếu tố khởi phát. Ví dụ, nếu bạn nghiện cờ bạc, đừng đến sòng bạc với bạn bè. Nếu bạn nghiện mua sắm và muốn tham gia cùng bạn bè, bạn có thể để thẻ tín dụng và tiền mặt ở nhà. Bạn cũng có thể tham gia vào một nhóm hỗ trợ người nghiện. Đây là những nhóm tự giúp đỡ dành cho các tình trạng nghiện. Gia đình và bạn bè của bạn thậm chí còn có thể vào các nhóm hỗ trợ cho người có người thân bị nghiện.
Hãy hỏi bác sĩ
Khi nào việc đi mua sắm trở thành nghiện mua sắm?
Có phải việc tình dục quá mức với vợ/chồng là nghiện tình dục?
Người ta có thể bị nghiện ăn uống không?
Nghiện hành vi có tính di truyền không?
Tôi có thể kiểm soát tình trạng nghiện mua sắm bằng cách nào nếu tôi phải mua sắm những vật dụng hằng ngày?
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ - Người dịch: BS. Võ Hùng Chí (SCLINIC)